mÔ HÌNH - gương sáng

Phần thưởng “Lội ngược dòng”
[ Cập nhật vào ngày (31/05/2017) ] - [ Số lần xem: 2833 ]

Ngày xưa, khi còn trực tiếp dạy lớp ở Cần Thơ, tôi thích thú và say sưa nhất đối với công tác chủ nhiệm lớp. Lúc đó, một yêu cầu cơ bản của công tác chủ nhiệm là phải nắm vững hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, từ đó mà nắm vững đặc điểm, tâm lý, tình cảm… từng em để thực hiện công tác chủ nhiệm phù hợp. Do vậy mà trong từng tiết sinh hoạt chủ nhiệm, không khí lớp chúng tôi hết sức sinh động, vui vẻ và tràn đầy tình cảm. Tôi luôn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc khi bước vào dạy ở lớp mình chủ nhiệm.


Lúc đó tôi đã nghĩ, làm sao động viên được những em học học lực trung bình, yếu cố gắng học tập vươn lên. Ngoài việc đưa vào nhận xét, động viên trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần, cần có hình thức biểu dương, khen thưởng nào không (?) Sau thời gian suy nghĩ, tôi đã thử áp dụng ngay trong lớp tôi chủ nhiệm. Từ đồng lương rất ít ỏi của tôi trong những năm sau giải phóng, tôi đã treo giải thưởng cho những học sinh học vượt lên chính mình, từ học lực trung bình vươn lên giỏi, tối thiểu cũng phải khá. Việc này được bình chọn công khai, dân chủ trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối mỗi học kỳ (tất nhiên, phần thưởng này phải thấp hơn phần thưởng dành cho học sinh giỏi của nhà trường, mà muốn cao hơn tôi cũng không có khả năng). Kết quả rất tích cực, có nhiều em quyết tâm phấn đấu học tập, sau vài tháng đã vươn lên loại khá. Lớp mà tôi nhận làm công tác chủ nhiệm là lớp 9P mà năm học trước đó (năm học 1975-1976) được xếp là yếu nhất trong khối 8, cuối năm học 1976-1977 được xếp loại tốt nhất trong khối 9, chỉ có một học sinh bỏ học (do lấy chồng), toàn bộ học sinh đều được công nhận tốt nghiệp cấp 2, hầu hết học sinh đều trúng tuyển vào lớp 10…

Năm sau tôi chuyển về An Giang, chỉ ở trường có một học kỳ. Tháng 01/1978, tôi “mất dạy”, phải về công tác ở Phòng Giáo dục Châu Thành. Rồi đi học, học xong về Sở Giáo dục… tôi không có dịp thực hiện tiếp tục công việc trên.

Câu chuyện đã qua hơn 30 năm rồi. Tôi cũng đã quên. Nhưng hôm rồi trong cuộc họp giao ban công tác khuyến học các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tôi lại nghe ở xã Thới Sơn, tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có giải thưởng “Lội ngược dòng”, do ông Nguyễn Như Hai, UV BCH Hội Khuyến học xã Thới Sơn đề xuất. Ý tưởng của công việc này được ông Nguyễn Như Hai nói như sau: “Các em học dở trong lớp có nhiều nguyên nhân, đi tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp hổ trợ nhằm giúp các em học tốt là trách nhiệm của người làm khuyến học. Thử hình dung một học sinh vừa đi học về đến nhà vội vã ăn qua loa rồi ra vườn phụ cha mẹ, có em thì phụ mẹ buôn bán hàng rong, bán vé số, có em thì phải trông em nhỏ và làm hết công việc trong nhà… thì còn hơi sức đâu mà học. Thường những học sinh yếu kém ở trường thì bị thầy cô la rầy, bạn bè cười nhạo. Về nhà thì cha mẹ quở trách có khi còn ăn đòn… vì vậy bỏ học là điều khó tránh khỏi. Khuyến học là giúp đỡ, khuyến khích các em còn khó khăn, còn yếu kém có động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bỏ học. Đó mới là việc làm cấp thiết hiện nay chứ không phải chỉ khen thưởng những em vốn giỏi. Lại có những người sinh ra đã kém may mắn, bịnh tật thì ai là người giúp đỡ, để các em cùng học, cùng vươn lên cùng bạn bè”.

Công việc được triển khai, phát động ngay từ đầu năm ở cả trường tiểu học và trường trung học cơ sở của xã Thới Sơn. Cứ những em xếp loại trung bình, yếu năm học trước, năm sau vượt lên loại khá, giỏi đều được khen thưởng. Tất nhiên có thể phân biệt giữa em vượt lên giỏi và em vượt lên khá. Năm đầu tiên (2007-2008), trao được 20 phần thưởng (10 phần cho học sinh tiểu học, 10 phần cho học sinh trung học cơ sở), mỗi phần thưởng trị giá 50.000 đ. Những năm sau số học sinh được tặng thưởng đông hơn, và số tiền thưởng (hoặc hiện vật) của khá hơn. Công việc này đang được xã hội hóa mạnh. Nhiều trường ở tp Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) bắt đầu thực hiện theo từ năm học 2012-13. Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang cũng rất tâm đắc, cho báo cáo điển hình để các Hội Khuyến học các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham khảo.

Đây là một việc làm phù hợp với suy nghĩ của tôi và tôi đã có dịp thử nghiệm, mặc dù thời gian rất ngắn, chỉ có một năm học và quy mô nhỏ. Xin kể ra đây để hệ thống Khuyến học trong tỉnh An Giang tham khảo.


 




Đặng Hoài Dũng Theo VP_HKH

  In bài viết