XÃ HỘI HỌC TẬP

Chăm lo hoạt động khuyến học, khuyến tài
[ Cập nhật vào ngày (19/05/2017) ] - [ Số lần xem: 587 ]

(AGO) - Công tác khuyến học, khuyến tài (KH,KT), xây dựng xã hội học tập góp phần quan trọng để ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát triển. Hội Khuyến học (KH) tỉnh đã phát huy các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh công tác KH,KT, xây dựng xã hội học tập, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.


Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, những năm qua, công tác KH,KT của tỉnh đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp “trồng người”. Trước hết, Hội KH tỉnh không ngừng xây dựng tổ chức hội theo hướng vừa phát triển số lượng, vừa nâng cao chất lượng, hướng mạnh về cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt, liên kết phối hợp các lực lượng và hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có trên 185.282 hội viên, các địa phương như: An Phú, Phú Tân, TX. Tân Châu… có số hội viên phát triển mạnh. Cùng với củng cố, mở rộng về tổ chức hội, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác KH,KT được đẩy mạnh.  

TTN.jpg

 

Trao học bổng Huỳnh Thiện Nghệ cho học sinh vượt khó  

Dòng họ Đỗ (ở thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) là một trong những điển hình của phong trào xây dựng “Dòng họ hiếu học”. Từ Thái Bình vào miền Nam lập nghiệp tại vùng đất Ba Thê (Thoại Sơn), tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng dòng họ vẫn giữ vững truyền thống hiếu học. Năm 2010, dòng họ xây dựng từ đường để thờ cúng tổ tiên và làm nơi sinh hoạt, giáo dục cội nguồn cho con cháu. Đồng thời, dòng họ còn thành lập Quỹ KH với mục đích động viên con cháu trong độ tuổi đi học, được ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay, dòng họ đã đóng góp trên 70 triệu đồng gửi tiết kiệm ngân hàng. Hàng năm, Ban KH của dòng họ dùng tiền lãi và trích quỹ làm lễ vinh danh cho con cháu trong họ tộc, khen thưởng con cháu có thành tích học tập khá, giỏi từ bậc mẫu giáo đến đại học… 

Thực tiễn cho thấy, Hội KH các cấp nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập với việc xây dựng xã hội học tập. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn thành lập Hội KH cơ sở, 100% Chi hội KH khóm, ấp và Chi hội KH trường học; 132.882 “Gia đình học tập”, chiếm 24,43% số hộ dân trong tỉnh; phát triển mới 33 "Dòng họ học tập”…

 

Thông qua việc phối hợp với các tổ chức như: Hội KH các cấp, Hội Cựu giáo chức, Hội Cha mẹ học sinh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động… ngành GD&ĐT đã huy động được nhiều nguồn kinh phí, học bổng, học phẩm, quỹ hỗ trợ… cùng nhiều hiện vật góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục. Quỹ KH tỉnh nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nước ngoài, tạo nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho học sinh - sinh viên (HS-SV) nghèo. Nhiều nguồn học bổng được duy trì, như: Học bổng xổ số kiến thiết, học bổng Doãn Tới, học bổng Quỹ Châu Á, học bổng Huỳnh Thiện Nghệ, học bổng Tổ chức Vòng tay Thái Bình… Chỉ trong năm 2016, toàn tỉnh đã vận động trên 45,9 tỷ đồng, qua đó cấp phát 47.268 suất học bổng cho HS-SV.

Đồng hành cùng Hội KH tỉnh, nhiều cơ quan, ban, ngành đã hình thành nhiều nguồn học bổng khác nhau, như: Học bổng y tế Nguyễn Văn Hưởng của Tỉnh đoàn, học bổng Tôn Đức Thắng của Liên đoàn Lao động, học bổng dành cho trẻ em gái nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ, học bổng của Báo An Giang, học bổng "ATV tiếp bước đến trường" của Đài Phát thanh-Truyền hình An Giang… với trị giá mỗi năm nhiều tỷ đồng.

Ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội KH tỉnh, cho biết: Công tác xã hội hóa KH,KT của tỉnh tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Nếu so với các lĩnh vực khác, việc đóng góp để đầu tư cho thế hệ tương lai là rất khiêm tốn. Trong khi sự nghiệp giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển đất nước… Chính vì thế, rất cần sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn của xã hội đối với hoạt động KH,KT để các cháu có hoàn cảnh nghèo, khó khăn có điều kiện đến trường, tiếp cận tri thức.  



Hữu Huynh Theo http://www.baoangiang.com.vn

  In bài viết